Làng Đạo Tử Nê
Tử Nê (chữ hán có nghĩa là bùn đỏ) là một trong những làng xã cổ của huyện Lương Tài, nằm bên con đường tỉnh lộ số 20 và soi mình xuống dòng Bái Giang trong xanh thơ mộng. Tử Nê nằm chếch về phía Bắc đối với huyện Lương Tài và cách huyện lị khoảng 2km.
MỘT GÓC BÌNH YÊN THÔN Mì Gạo Tử Nê.
Từ đầu năm 1946 trở về trước, Tử Nê cùng với Hương La và thôn Guộc thuộc về xã Khải Mông. Từ đầu năm 1946 trở đi, địa danh Khải Mông không còn nữa mà sát nhập vảo xã Phá Lãng, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh). Khi hòa bình lập lại, xã Phá Lãng được tách ra thành Thị trấn Thứa và Tân Lãng, huyện Lương Tài.
Tử Nê là một xứ đạo gốc, có lịch sử lâu đời vào bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh.
Theo tài liệu ghi chép của nhà thơ Thiên chúa giáo, vào những năm 1716 – 1720 (thời chúa An Đô Vương Trịnh Cường và vua Lê Dụ Tông), có một giáo sĩ tên là Giuong Messari thuộc dòng Sai, người Bồ Đào Nha, được Giám mục Deydie cai quản địa phận đông ở Đàng ngoài (Hải Phòng) bổ nhiệm về thôn Tử Nê để coi sóc phần hồn của xứ đạo này.
Một thời gian sau, từ Tử Nê, đạo Thiên chúa được phát triển lên làng Ngăm Điền (xã Lãng Ngầm), rồi từ Ngăm Điền phát triển sang thôn Cửu Sơn và Cổ Thiết thuộc xã Đông Cứu và xã Giang Sơn. Đó là vào năm 1880. Đến năm 1882, đạo Thiên Chúa được truyền bá đến thôn Lai Tê (tức Bùi Sải) xã Trung Chính, thôn Thọ Ninh (tức Bùi Xá), thông Nghĩa La. Các thôn : Ngọc Cục, Hương La, Bái Giang, Phượng Giáo cũng có nguồn gốc đạo Thiên Chúa từ Tử Nê. Năm 1884 các thôn Quỳnh Bội, một phần thôn Thủ Pháp, Ngô Thôn, Ấp Găng (xã Thái Bảo) Tháp Dương, Thanh Hà (xã An Thịnh), Văn Thanh (xã Lai Hạ), Bình Giang (xã Minh Tân) bắt đầu có người theo đạo Thiên chúa do giáo sĩ từ nhà thơ Tử Nê đến truyền giáo .
Từ thế kỷ XIX, xứ đạo Tử Nê đã bao gồm các họ đạo ở gần: Ngọc Cục, Hương La, Bái Giang, Ngô Thôn, Phượng Giáo và một số họ đạo ở xa, như: Ấp Găng, Quỳnh Bội, Thủ Pháp, Tháp Dương.
Trong nhiều thập niên, xứ đạo Tử Nê đều có các vị linh mục người Bồ Đào Nha và người Pháp phụ trách.
Năm 1883, Giám mục Lễ thuộc dòng Sai Tây Ban Nha quyết định tách xứ đạo Tử Nê, Lai Tê, Ngăm Giáo ra khỏi địa phận Hải Phòng để thành lập địa phận Bắc Ninh và đặt nhà thờ chính tòa địa phận tại xứ đạo Tử Nê, sau đó ít lâu mới chuyển nhà thờ chính tòa địa phận về Thành phố Bắc Ninh.
Vào những năm 1920 số giáo dân xứ đạo Tử Nê mới có gần 400 người. Thời kỳ này nhà thờ Tử Nê vẫn do một vị linh mục người Tây Ban Nha cai quản. Đến năm 1930, hồng y giáo chủ ở Đông Dương mới cử một vị linh mục người Việt Nam cai quản. Đến năm 1945, số linh mục và giám mục đã cai quản xứ Tử Nê kể cả người Tây Ban Nha và người Việt là 48 người, trong đó người Tây Ban Nha là 12 vị, người Việt là 26 vị. Số linh mục được đào tạo tại xứ Tử Nê là 26 vị, riêng thôn Tử Nê có 13 vị đã được đào tạo làm linh mục ở xứ đạo này.
Cũng như những làng xã cổ xưa của huyện Lương Tài trước đây, Tử Nê cũng có đình, chùa, đền, miếu. Khi đạo thiên chúa nhập cư vào đây, giáo dân góp công góp của dựng nên một ngôi nhà thờ lợp rạ. Mãi sau này mới có cơ ngơi bề thế với tháp chuông giáo đường… như ngày nay.
Lịch sử ra đời của đạo Thiên chúa ở Tử Nê gắn liền với quá trình hình thành và hoạt động của các Hội, Đoàn.
Hội dâng hoa là một tổ chức quần chúng của đạo Thiên chúa, tập hợp các em nữ từ 9 – 10 tuổi đến 15 tuổi, chuyên hát lễ và dâng hoa trong các ngày lễ trọng và các buổi tối đọc kinh tại nhà thờ.
Hội Dòng ba: Tập hợp các bà từ 50 tuổi trở lên, nhằm duy trì các hoạt động tín ngưỡng của đạo Thiên chúa (nó giống như hội Vãi già của nhà Phật).
Hội Trắc, tập hợp các em nam từ 10 - 15 tuổi để đánh trắc (dùng hai thanh tre khô gõ vào nhau) trong những đám tang hay một số dịp lễ khác.
Ở Tử Nê, hội đoàn hoạt động sôi nổi và có sức hấp dẫn nhất là hội Kèn. Trong nhiều năm, hội Kèn không những hoạt động tích cực trong phạm vi nhà thờ mà các thành viên của hội còn góp phần làm nên không khí vui tươi, sôi nổi trong cuộc sống của làng xóm.
Giống như những làng quê khác ở vùng Lương Tài, Thị xã Từ Sơn, Thuận Thành, Phật giáo và Nho giáo có mặt ở đây khá sớm và phát huy ảnh hưởng khá sâu rộng. Mặc dù không có những đại gia có truyền thống khoa bảng như ở Lương Xá (Phú Lương) không có những họ như họ Nguyễn Đăng ở Hương Triện, họ Trần ở Nhân Thắng, nhưng vào thời Lê – Nguyễn, nhiều người ở đây đã lều chõng đi thi và có người đã thi đỗ rồi ra làm quan. Dòng họ Đinh là dòng họ có nhiều người theo học Nho và đến những năm cuối thế kỷ XIX có người đã thi đỗ và ra làm tri huyện. Đó là ông Đinh Hồng Phụng. Việc học nho, mãi đến khi cách mạng tháng 8/1945 thì mới chấm dứt ở Tử Nê.
Phật giáo có mặt ở đây rất sớm. Trước đây cũng có một ngôi chùa thờ Phật. Nhưng từ khi đạo thiên chúa phát huy ảnh hưởng ở đây thì tiếng chuông nhà thờ đạo Thiên chúa có sức lôi cuốn hơn nhiều tiếng mõ cửa Phật. Rồi dần dần, chùa cũng không còn nữa.
Về đời sống kinh tế, Tử Nê cũng có diện mạo riêng so với những làng lân cận. Với diện tích bình quân dưới 2 sào Bắc Bộ trên một nhân khẩu, Tử Nê là một trong những làng đạo đầu tiên của huyện Lương Tài phát triển nghề thủ công, nghề cá và buôn bán. Nghề thủ công chủ yếu ở đây là nghề làm mì gạo và bánh đa. Mặt hàng mì gạo ở đây rất có uy tín với thị trường trong và ngoài tỉnh. Không những nó được tiêu thụ với khối lượng lớn, trên thị trường Bắc Ninh, Bắc Giang mà là những lái buôn từ tận Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Đông, Lạng Sơn, Thái Nghuyên cũng thường về đây cất hàng.
Cũng như Mão Điền (Thuận Thành), Đình Bảng Phù Lưu (Thị xã Từ Sơn), Thanh Dã (Lục Nam)… Tử Nê có sinh hoạt mua bán trao đổi nông sản thực phẩm và những đồ gia dụng thiết yếu ở ngay trong làng. Mặc dù khối lượng hàng hóa và phạm vi trao đổi sản phẩm của Tử nê có ít và hẹp hơn so với những làng buôn bán nổi tiếng trên đây, nhưng so với những làng lân cận thì Tử Nê tỏ ra là một làng đạo trù phù thực sự.
Nằm kề bên những ngôi nhà hai tầng, những ngôi nhà mái bằng hiện đại, bề thế, những ngôi nhà ngói khang trang, kiên cố và những vườn rau quả sum sê… các bờ ao, hồ lớn của Tử Nê đều được xây bó thành gạch chỉ hoặc đá xanh, các đường cái chính của làng đều có rãnh thoát nước rộng và sâu. Gần đây dân làng lại hoàn thành một đoạn đường lát gạch chỉ, chạy suốt từ cổng nhà thờ ra đến cổng Đông với chiều rộng là 3,5m, chiều dài hơn 1km. Đầu năm 1990, vị linh mục cai quản nhà thờ ở đây còn có ý định cùng các gia đình giáo dân trong thôn xây dựng một tháp nước lớn với hệ thống nước vào từng hộ gia đình để cung cấp nước sinh hoạt cho mọi người, đồng thời xin với chính quyền địa phương cho xây dựng một lớp học ở gần nhà thờ để con em giáo dân ở đây đỡ phải đi học xa: hiện nay tháp nước và hệ thống ống dẫn nước chưa có điều kiện làm, nhưng lớp học thì đã có để con em nhân dân Tử Nê ngồi học.
Tử Nê có con sông Bái Giang ôm lấy một bên làng, làm cho cảnh quan ở đây tăng thêm vẻ hữu tình nhưng cái thiết thực hơn là Bái Giang đã cung cấp một nguồn cá tôm đáng kể cho cả vùng, mà người dân Tử Nê là chủ nhân tích cực khai thác nguồn thủy sản dồi dào này từ bao nhiêu đời nay. Ngày nay Bái Giang vẫn là địa bàn tuyệt vời để nghề cá của Tử Nê phát huy thế mạnh.
Về các công trình vệ sinh, Tử Nê cũng là một trong những nơi trong huyện hoàn thành sớm nhất ba công trình vệ sinh (hố xí, nhà tắm, giếng nước) với chất lượng cao, và là một trong những thôn có điện thắp đầu tiên của huyện Lương Tài.
Những nét chấm phá nói về cơ sở vật chất của Tử Nê là như vậy. Đi sâu vào đời sống văn hóa của Tử Nê, chúng ta còn thấy nhiều điều thú vị hơn.
Điểm nổi bật đầu tiên về đời sống văn hóa ở đây là Tử Nê là một trong những cơ sở thôn xã có đài truyền thanh đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Đài phát thanh do một đồng chí hoạt động lâu năm trong ngành văn hóa ở cơ sở phụ trách, truyền thanh vào các buổi trong ngày, có các chương trình văn nghệ chọn lọc xen kẽ. Hơn 10 năm nay, đài truyền thanh Tử Nê đã hoạt động liên tục, đều đặn, góp phần quan trọng vào việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với mỗi giáo dân.
Tử Nê còn sớm xây dựng và duy trì được nền nếp hoạt động của đội văn nghệ nghiệp dư từ mấy chục năm nay. Khi mới xây dựng, đội văn nghệ nghiệp dư có hơn chục nam nữ diễn viên có trình độ và ngón nghề biểu diễn khá thuần thục, với các bộ môn của ngành nghệ thuật sân khấu như: dân ca Quan họ, kịch nói, hát chèo… và một ban nhạc có khả năng sử dụng các loại kèn. Đội văn nghệ nghiệp dư của Tử Nê từ khi thành lập đến nay, đã liên tục tham gia các kỳ Hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện và tỉnh tổ chức và đã giành được nhiều giải thưởng xứng đáng.
Điểm nổi bật nữa là trẻ em Tử Nê nhìn chung rất ngoan. Trên những bức tường nhà ở những nơi công cộng, rất ít khi thấy dòng chữ viết bậy, những hình vẽ tục tĩu. Các em ở đây không nói tục, không cãi chửi nhau, không phì phèo thuốc lá, không đánh đề, không ăn cắp vặt. Đối với người lớn, nhất là đối với khách lạ, các em rất lễ phép.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuổi trẻ Tử Nê lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, không có trường hợp nào đào ngũ. Các nghĩa vụ lương thực, thực phẩm, nghĩa vụ quân sự trước đây, Tử Nê đều hoàn thành sớm nhất và rất đầy đủ.
Để thực hiện tốt những quy ước mới về việc cưới, việc tang, trong nhiều năm nay, Tử Nê không có đám cưới tảo hôn nào, không có trường hợp nào vi phạm chính sách “kế hoạch hóa gia đình”.
Về việc tang, đã từ lâu chính quyền thôn cùng với ban hành giáo thống nhất với nhau là không đưa xác chết vào nhà thờ và giảm bớt những thủ tục phiền phức trong đám tang.
Sở dĩ Tử Nê có một đời sống văn hóa lành mạnh và tiến bộ như vậy là do chi bộ Đảng đã thực sự đoàn kết lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể quần chúng, kiên trì động viên giáo dục và phát huy truyền thống quê hương cho các tầng lớp giáo dân thực hiện tốt phương châm “tốt đạo, đẹp đời” và “sống phúc âm trong lòng dân tộc”./.
Tổng hợp: ST
MÌ GẠO TỬ NÊ
ĐẢM BẢO UY TÍN - CHẤT LƯỢNG
VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
ĐT: 0915 188 084 – 096 278 3456
Zalo: 0962783456 – SKYPE: TUANPRIME
WEBSTE: WWW.MIGAOTUNE.COM – FACEBOOK/MIGAOTUNE